Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    Phân Ưu    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười    Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân    Cùng Tác Giả   


Một thời gợi nhớ


Mấy năm trước, có dịp đi sang San Jose tôi tìm đến nhà hàng Bún Bò An Nam của Trần Tái Xuân để ghé thăm anh, phải đi 2, 3 lần, rồi gọi điện thoại mới được gặp anh ở nhà hàng, trên đường Story, anh vui vẻ bảo tôi:

- Lần sau anh đến phi trường San Jose gọi điện thoại, tôi ra rước về nhà tôi ở chơi cho vui.

Năm nay, tôi sang San Jose, vài hôm sau gọi điện thoại cho cho Xuân tại nhà hàng trên đường Story, cũng như Tully, nhân viên nhà hàng cho biết dạo nầy anh bệnh nên ít khi có mặt. Có hôm hân tiện đi ngang qua, tôi ghé nhà hang trên đường Story, đưa cho cô thâu ngân viên danh thiếp của tôi, nhờ chuyển cho anh Xuân, tôi có ý chờ nếu anh gọi lại, tôi sẽ hẹn tới thăm anh, nhưng “biệt vô âm tín”.

Tôi đâm ra ái ngại, cũng như anh Kimny, người tôi quen biết, anh vốn sinh ở Rạch Giá, nhưng thân phụ là người gốc Tri Tôn, công chức từng làm việc ở tòa tỉnh Châu Đốc, anh học tiểu học ở Châu Đốc, lên Nam Vang học Trung học rồi Đại học, tốt nghiệp Kỷ sư làm việc ở Sở Công Chánh, vào thập niên 1970, đi học sĩ quan, có tu nghiệp ở Trung tâm huấn luyện Chi Lăng, Châu Đốc. Đến 1975, anh cùng vợ chồng người bạn vượt biên đường bộ sang Thái Lan, sau đó được định cư ở Pháp, anh học lại rồi trở thành giáo sư ở Pháp, khi về hưu anh và gia đình sống ở miền biển phía Tây nước Pháp.

Năm 2011, anh còn liên lạc email với tôi, cho biết cùng với vợ đi du lịch ở thành phố cảng Sihanoukville, năm sau tôi đi du lịch ở Pháp, có ý định thăm Kimny, nhưng email tôi gửi đi, không bị trả lại cũng không có hồi âm, tôi cố gắng lục tìm địa chỉ của Kimny, thư gửi đi cũng “biệt vô âm tín”.

Trần Tái Xuân và tôi cùng học lớp nhất, anh là con một thầy giáo hay công chức, nhà ở góc đường Nguyễn Hữu Cảnh và Phan Văn Vàng, tại thị xã Châu Đốc. Hè năm 1956, anh và tôi cùng đi dự trại Hè ở Vũng Tàu, trại kéo dài tới 21 ngày, do huấn luyện viên Trần Văn Ngà hướng dẫn, nay anh Ngà là ký giả, định cư ở Sacramento, thủ phủ California, trại sinh còn có cháu gọi anh bằng Cậu, có Lưu Nhơn Nghĩa, học sinh Thủ Khoa Nghĩa, người cùng quê Tri Tôn với Kimny, là tác giả Tuyển tập truyện ngắn vùng Bảy Núi Như Cánh Chuồn Chuồn do Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật Giáo Việt Nam, Tại Cộng Hòa Liên Bang Đức xuất bản năm 2001.

Khi học cùng lớp cũng như khi đi dự trại Hè, do thời buổi chiến tranh, tôi đi học trễ, nên đã 15 tuổi còn Xuân chỉ mới 11 hay 12 mà thôi, do đó Xuân và tôi ít chơi chung với nhau, cho nên chỉ là đồng môn chớ không phải là bạn thân từ thuở nhỏ, nhưng nay tuổi “thất thập cổ lai hy” của nhà thơ Đỗ Phủ, thì khoảng cách vài ba tuổi không phải quá cách biệt, hơn nữa tuổi già bạn bè càng ngày càng hiếm, tìm cho được một người bạn, một người quen biết 5, 6 mươi năm trước càng quý hiếm hơn. Như Lưu Nhơn Nghĩa hay Hồ Văn Tri đồng môn của Xuân và tôi đã quá vãng được mấy năm rồi.

Tôi chỉ học ở Trường Nam Tiểu học tỉnh lỵ Châu Đốc có 2 năm 1954-1956, lớp Nhì H với Thầy Lê Quang Điện và lớp Nhứt E với Thầy Châu Văn Tính, rồi tôi lên Sàigòn vào học trường Bách Nghệ, tôi đã bị cột chặt ở Châu Đốc với nhiều kỷ niệm thuở ấu thơ.

Những kỷ niệm đẹp một thời học sinh, mỗi chiều chúng tôi thường xuống Cầu Quan đi tắm. Cầu Quan ngày xưa có 3 nhịp, sườn cầu bằng sắt, lan can sắt, cuối nhịp giữa mỗi bên có một cái thang xuôi theo thân cầu cũng bằng sắt, những bậc thang là những tấm thép đúc có vân để khỏi trượt chân, bề ngang của thang khá rộng, chừng 1 thước rưỡi, ở cuối nhịp ngoài cùng có lan can chấn ngang, và ở mỗi bên cầu có một cái thang, nhưng được bắt ngang thân cầu, chớ không bắt xuôi theo thân cầu như ở nhịp 2. Sàn cầu lót bằng gỗ, sườn sắt sơn đen.

Nơi đây là ngã ba sông, có thể nhìn sang Châu Giang cũng như Cồn Tiên. Vì cầu nằm ngay trước Tòa Tỉnh, trong đó có dinh Tỉnh Trưởng, tuy không có lính gát, nhưng rất an ninh vì ít người tắm và chẳng có ai lai vãng. Phía bờ sông từ trước Ty Bưu Điện cho đến cầu sắt kinh Lò Heo, không hề có bất cứ nhà cửa nào được xây cất, ngược lại từ bến sông Đình Châu Phú cho đến cầu kinh Ông Cò là những căn chòi lá lụp xụp chen nhau xây cất tạm, đó là của những người buôn gánh bán bưng.

Tại Bồ Đề Đạo Tràng, xưa kia chỉ có ở cuối là ngôi nhà bát giác, trong tôn tượng đức Thích Ca Mâu Ni ngồi trầm tư mặc niệm, ở giữa là cây bồ đề có 4 thân, phía trước là hồ sen, xung quanh có rào sắt, có trồng những bụi hoa Đuôi Chồn, hoa nở trắng, ban đêm tỏa mùi thơm bát ngát.

Giữa Bồ Đề Đạo Tràng với hai “Bồn Kèn” là hai con đường, đường phía trên là bến xe đi Tri Tôn, Nhà Bàn, Tịnh Biên, đường phía dưới là bến xe đi Sàigòn, Long Xuyên ngày đó, chưa có xe đi Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá …

Ở cuối Bồ Đề Đạo Tràng là Đài Chiến Sĩ, qua khỏi Đài Chiến Sĩ là con đường Thủ Khoa Nghĩa, qua khỏi con đường là sân cỏ, bên phải sân cỏ về phía cầu sắt là nhà Bảo Trợ Nhi Đồng, bên trái là Phòng Thông Tin, và tiếp theo sân cỏ là nhà việc Châu Phú, tức là trụ sở làm việc của hương chức làng Châu Phú, nhà nầy có 2 tầng, tầng trên là các phòng làm việc, tầng dưới có đại sảnh đường. Thỉnh thoảng đêm khuya thức giấc, nghe tiếng trống sang canh từ đây vang dội lại, lòng buồn vì nó gợi nhớ đến chuyện xưa, tích cũ.

Ở Châu Đốc ngày đó, chúng tôi còn có cái thú là ngày Chủ nhật đi chơi ở núi Sam.

Muốn đi núi, sáng sớm chúng tôi ra con đường ở đầu chợ, gần phía sau đình Châu Phú, mua 1 nãi chuối già, hay chuối sứ, rồi bước ra đầu chợ mua khoai mì nấu vị chi chừng 3 đồng mà thôi, thế là có đủ thức ăn để leo núi.

Cuộc khởi hành từ chợ đi theo đường Bảo hộ Thoại, là con đường nằm giữa đình Châu Phú và Ty Bưu Điện, đi về hướng Nam, qua khỏi đường rầy xe lửa vài trăm thước thì không có nhà cửa nữa. Hai bên đường là “đồng mông hiu quạnh”, bên tay trái là con kinh chạy dọc theo đường, thỉnh thoảng có cái “vó”, người nhà quê dùng để bắt cá trên kinh, rạch, quá đó là cánh đồng ruộng mênh mông, bên tay phải cũng là con rạch chạy theo đường, xa hơn vài trăm thước là một dãi hàng cây xanh, đó là cây mọc dọc theo kinh Vĩnh Tế, qua khỏi đó là biên giới Việt – Miên, trước mắt là con lộ đá tráng nhựa, hai bên đường chỉ có những bụi cây nhỏ thường là cây me nước, tận cùng con lộ là Núi Sam sừng sửng trước mặt, đi cho đến chân núi mới có ít nhà cửa, chùa, miếu.

Từ Châu Đốc vào để leo lên đỉnh núi, thường có ba lối đi, một là từ chùa Tây An hay lăng Thoại Ngọc Hầu, leo núi lối nầy tuy ngắn, nhưng phải leo những dốc đá khó khăn, lối thứ hai là theo những bậc thang đi lên Bạch Vân Tịnh Xá, rồi từ đó đi một khoảng bằng thẳng rồi mới leo lên một dốc đá, qua khỏi đây là tới cái am, nhập chung với lối đi từ chùa Tây An lên, từ đây lên đỉnh dốc ít rất dễ đi. Còn lối thứ ba là con Đường Quan, muốn đi đường nầy, tại ngã ba nơi chùa Tây An, nếu ta quẹo tay phải là đi về hướng Miếu Bà, Lăng Thoại Ngọc hầu, Bạch Vân Tịnh Xá…, nếu ta quẹo trái, đi một quãng xa sẽ gặp con Đường Quan, đi lên núi rất dễ, vì trước 1945 con đường nầy xe chạy được lên tận đỉnh núi, leo núi ít ai đi con đường nầy, vì từ chân núi đi đến Đường Quan cũng khá xa.

Khoảng 7 giờ sáng từ chợ Châu Đốc cuốc bộ, lên tới đỉnh cũng phải 10 giờ hơn. Trên đỉnh là một khoảng rộng có những tảng đá to, có một kiến trúc xây tô, ngày đó chỉ còn lại những mảnh tường không nguyên vẹn, nhiều du khách viết hoặt khắc vào đó, tên họ, ngày tháng năm, đôi chỗ có câu thơ ghi lại nguồn cảm xúc.

Kiến trúc nầy có tên là Pháo đài, ở đây có thể quan sát khắp nơi, nhìn về hướng Tây là đất nước Kampuchea với đồng ruộng và ở xa xa núi non trùng điệp, hướng Bắc là phố thị Châu Đốc, xa hơn là Châu Giang là Cồn Tiên, phía Đông là Kinh Đào, cánh đồng Mỹ Đức và phía Nam là Nhà Bàn, Tịnh Biên, núi Két vùng Bảy Núi. Cảnh quang là trời nước bao la, lòng không vướng bận sẽ tận hưởng được sự tịnh thanh của thiên nhiên, vũ trụ.

Thường lên đến đây chúng tôi mới ăn khoai mì với chuối, ngày đó mỗi khi đi xem ciné trong rạp hát, bắt đầu tất cả khán giả đứng lên chào quốc kỳ và bài Suy tôn Ngô Tổng Thống, trong đó có câu: “Ngô Tổng Thống, Ngô Tổng Thống muôn năm”, học sinh lén hát nhạc chế: “Khoai mì chuối, khoai mì chuối muôn năm”. Khoai mì hay củ sắn trồng nhiều ở vùng đất núi, còn chuối thì đâu cũng có, nên cả hai đều rẻ, là thức ăn lót lòng cho học sinh hay người bình dân như xôi hay bắp chà.

Ăn no rồi, buổi trưa gió hiu hiu thổi, tìm chỗ mát đánh một giấc ngủ, không còn chi tuyệt hơn.

Sau khi nghỉ trưa, thức dậy bắt đầu xuống núi, thường có hai lối xuống, một là đi phía chùa Hang hay Phước Diền Tự, ngày xưa đức Phật Thầy Tây An cất trại ruộng, vừa để làm ruộng vừa để tu Tịnh độ, khác pháp môn với chùa Tây An là phương pháp Thiền, tổ đình là chùa Giác Lâm ở Phú Thọ Hòa, Sàigòn. Đây là hướng Nam của núi, đường nầy xuống nhanh, nhưng xuống tới chân núi là vùng đập đá, từ đây cuốc bộ tới chùa Tây An cũng khá xa, con đường thứ hai là theo Đường Quan xuống núi, đường nầy an nhàn nhứt, khá mất thời gian để tới chùa Tây An. Từ chùa Tây An, ngay ngã ba ở chân núi, thả bộ về chợ Châu Đốc cũng mất không dưới 1 giờ.

Khoảng cuối thập niên 1950, đường vào Núi Sam vẫn còn vắng vẻ, có người cất cái bar Thanh Đạm ở cầu đúc số 2, một đêm kia Lựu đạn nổ tại cái bar nầy, làm cho một ít người ăn nhậu tử thương, sau đó bar dẹp bỏ, nhưng cái tên Bar Thanh Đạm vẫn còn gợi nhớ cho những người dân Châu Đốc một thời gian.

Thỉnh thoảng, tôi có chạy xe đạp dọc theo bờ sông Hậu đi xuống nhà bạn tôi là Hồ Văn Tri và em là Hồ Văn Phú, nhà ở gần chùa Ông Bổn ở Mỹ Đức, Khu nầy ở trong cánh đồng có Nghĩa trang của "Nhà Lớn", Nhà Lớn là những ngôi nhà bề thế nằm cạnh bệnh viện Châu Đốc. Con đường đất dọc bờ sông nầy, nhà nhà trồng trầu, thời đó Mỹ Đức nổi tiếng về trầu và nhãn. Xuống nhà Tri cũng chỉ đi tắm sông mà thôi.

Tôi không rõ Phú ra sao, nhưng Tri về sau là sĩ quan Quân cảnh, đi HO sang Mỹ định cư ở Maryland, Tri và tôi có lên lạc nhau qua điện thoại và email, sau đó Tri bị tai biến mạch máu não rồi mất cách nay đã vài năm.

Cồn Tiên tôi có đi đò qua đó 1 lần cho biết, nhưng không có chi gây ấn tượng cho tôi, còn Châu Giang mãi về sau nầy, khi đã lập gia đình nhà tôi và tôi mới được cô em, từng làm cô giáo bên ấy đưa tôi đi viếng thăm.

Trên xóm Thánh Thất Cao Đài, tôi có người bạn học tên Dễ, khi còn đi học, anh cho tôi mượn đọc quyển tiểu tuyết Đôi Bạn của Nhất Linh, và một lần tôi lần mò lên tìm nhà anh Mười Ngà, để thăm cả hai cậu cháu của anh.

Ở lò bún trên đường xe lửa, tôi có người bạn tên Đổng, tôi có gặp lại anh tại Long Xuyên cũng đã trên ba mươi năm trước, anh có nhà ở gần sân Vận Động Long Xuyên.

Những kỷ niệm về Châu Đốc trong tôi khó phai, trong đó có Thầy dạy vở lòng Lê Văn Thọ, Thầy Lê Quang Điện, Châu Văn Tính, ông Đốc Đỗ Chẹn, chú Năm nhân viên thường đánh trống trường và những người bạn kẻ mất như Lưu Nhơn Nghĩa, Hồ Văn Tri, Lê Văn Khá, người còn như Trần Tái Xuân, Phạm Ngọc Lân, Huỳnh Bảo Toàn và những người bạn như Dễ, Bé, Nhân, Thạnh, Tiên, Quan (em của Tỉnh Trưởng), Châu Minh Quyền, Hồ Văn Phú chưa có lần gặp lại, nay chẳng rõ rồi họ đã ra sao ? Cầu mong cho mọi người được yên vui, hạnh phúc xanh tươi như ngọn núi Sam kia.

Huỳnh Ái Tông

Lexington, 8-8-2015